Bài 119: Sao Chúa Phục Sinh hiện ra trước tiên với các phụ nữ? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa

Bài 119: Sao Chúa Phục Sinh hiện ra trước tiên với các phụ nữ? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa

Bài 119: Sao Chúa Phục Sinh hiện ra trước tiên với các phụ nữ? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa

TGPSG -- Tin Mừng theo thánh Lu-ca

Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. 2Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. 3Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Đức Giê-su đâu cả. 4Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. 5Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói : “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết ? 6Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, 7là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại.” 8Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Đức Giê-su đã nói. 9Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. 10Mấy bà nói đây là bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Gio-an-na, và bà Ma-ri-a, mẹ ông Gia-cô-bê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Đồ như vậy. 11Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin. 12 Dầu vậy, ông Phê-rô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông thấy chỉ còn có những khăn liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra. (Lc 24,1-12).

Trong đêm canh thức Phục Sinh năm nay, chúng ta được nghe công bố Tin Mừng theo thánh Lu-ca, kể lại sự kiện xảy ra tại nơi chôn cất Đức Giê-su vào buổi sáng ngày Phục sinh.

Tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, một số phụ nữ đã đi ra mộ Chúa, chắc không phải chỉ để viếng mộ như Mát-thêu đã viết (x. Mt 28,1), vì tác giả Lu-ca nói là các bà “mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn” (24,1). Tác giả Mác-cô còn nói rõ hơn : “họ mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su” (Mc 16,1). Vậy nếu Đức Giê-su đã được mai táng rồi, chẳng lẽ các bà còn ra mộ để ướp xác lại hay sao ? Để hiểu rõ việc này, chúng ta trở lại với những câu cuối của chương trước đó, Lc 23,49-56 : vào chiều thứ Sáu, khi hạ được xác Đức Giê-su xuống khỏi thập giá, người ta đã vội vã mai táng Người kẻo ngày Sa-bát sắp bắt đầu. Cũng nên biết là, người Do-thái tính ngày mới từ lúc xế chiều khi mặt trời lặn (x. St 1,5.8.13). Các bà đã chuẩn bị sẵn dầu và thuốc thơm, nhưng không còn thời gian để làm công việc ướp xác vì phải giữ luật Sa-bát, các bà chỉ còn “để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Chúa được đặt thế nào (x. Lc 23,52-56), rồi qua khỏi ngày sa-bát, các bà mới ra mộ để làm việc này. Riêng tác giả Tin Mừng Gio-an kể rằng những người tháo đinh Đức Giê-su đã “lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn theo tục lệ chôn cất của người Do-thái” (Ga 19,40). Còn tác giả Tin Mừng Mát-thêu thì không đề cập đến chi tiết này.

Nếu trước đó, các trình thuật thương khó được cả bốn tác giả Tin Mừng trình bày với nhiều chi tiết giống nhau, vì đó là những biến cố cụ thể mà nhiều người có thể chứng kiến thì biến cố Đức Giê-su trỗi dậy từ cõi chết và ra khỏi mồ là một sự kiện vượt quá sự quan sát bằng giác quan. Các tác giả chỉ chứng kiến ngôi mộ trống và sau đó là những lần “hiện ra” của Chúa Phục Sinh. Do đó, mỗi trình thuật mang một sắc thái với những chi tiết khác nhau, nhưng cùng tuyên xưng niềm tin vào Đức Giê-su đã sống lại. Nói cách khác, sự khác biệt trong cách tường thuật biến cố Phục Sinh giữa các tác giả Tin Mừng phản ánh sự phong phú của truyền thống Ki-tô giáo sơ khai, mỗi tác giả nhấn mạnh các khía cạnh khác nhau của sự kiện tùy theo mục đích thần học, cũng như đối tượng độc giả và bối cảnh lịch sử của họ. Tuy vậy, có một điểm chung là cả bốn Tin Mừng đều nói đến sự hiện diện của các phụ nữ trong cuộc Thương Khó và ngay trong buổi sáng Phục Sinh của Đức Giê-su. Trong bài học hỏi hôm nay chúng ta tìm hiểu xem các phụ nữ này là những ai và sự hiện diện của các bà có ý nghĩa gì.

I. Các phụ nữ này là những ai ?

Trong cả bốn sách Tin Mừng, các phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng trong việc chứng kiến và báo tin Chúa đã Phục Sinh. Họ không chỉ là những nhân vật phụ mà còn có vai trò trung tâm trong một số sự kiện quan trọng. Các tác giả đều nói đến các phụ nữ trong trình thuật Thương Khó và Phục Sinh, riêng Lu-ca thì ngay từ khi Đức Giê-su còn hoạt động ở Ga-li-lê, ông đã nói đến nhóm phụ nữ này rồi và từ đây họ đã theo Đức Giê-su trong suốt cuộc hành trình tới Giê-ru-sa-lem, để giúp đỡ Người và các môn đệ của Người (x. Lc 8,2-3).

Vậy, chúng ta có thể biết được gì về các phụ nữ này ? Thưa, nhờ các tác giả Tin Mừng, chúng ta có thể biết đôi chút về các phụ nữ này.

1) Trước hết là bà Ma-ri-a Mác-đa-la, luôn đứng đầu trong danh sách những phụ nữ đã theo Đức Giê-su (x. Mt 27,56.61 ; Mc 15,40.47 ; 16,1.9 ; Lc 24,10 ; Ga 20,1.11) và Lu-ca cho biết bà là người được Chúa giải thoát khỏi bảy quỷ (x. Lc 8,2). Có một ngộ nhận cần được làm sáng tỏ về bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Đó là ngay trước đoạn liệt kê danh sách các phụ nữ đi theo Đức Giê-su (x. Lc 8,2-3), thánh Lu-ca có kể câu chuyện một phụ nữ tội lỗi đã đến khóc lóc và lấy tóc mình mà lau chân Chúa, cô còn đổ dầu thơm lên chân Chúa, Người chẳng những tha thứ cho cô mà còn khen ngợi cô nữa (x. Lc 7,37-50). Cũng vì vậy, nhiều người đã cho rằng bà Ma-ri-a Mác-đa-la chính là người phụ nữ tội lỗi đó. Nhưng có nhiều lý chứng cho thấy đó là hai nhân vật khác nhau, do đó không thể đồng hóa hai phụ nữ này với nhau được.

2) tiếp theo là bà Ma-ri-a mẹ các ông Gia-cô-bê (Thứ) và Giô-xếp

3) rồi đến mẹ của Gia-cô-bê và Gio-an (các con ông Dê-bê-đê)

4) và một bà Ma-ri-a khác nữa (x. Mt 27,56.61).

5) Mác-cô còn nhắc đến bà Sa-lô-mênhiều bà khác đã đi theo và giúp đỡ Đức Giê-su khi Người còn ở Ga-li-lê (x. Mc 15,40-41).

6) Trong danh sách của Lu-ca còn có bà Gio-an-na

7) và bà Su-san-na.

Nhưng điều đáng nói ở đây là tác giả Lu-ca cho biết một chi tiết đặc biệt : “Bà Gio-an-na là vợ của ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê”, như thế là có điều kiện vật chất nên “các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ”(Lc 8,3). Ngoài những phụ nữ được các tác giả Tin Mừng nêu rõ danh tính, Lu-ca cho biết còn “nhiều bà khác nữa”, tất cả những người phụ nữ này đã đi theo Đức Giê-su suốt quãng đường từ Ga-li-lê đến Giê-ru-sa-lem.

II. Tại sao Đức Giê-su hiện ra trước tiên với các phụ nữ ?

Việc Đức Giê-su hiện ra với các phụ nữ trước tiên trong các Tin Mừng có nhiều ý nghĩa sâu sắc, từ việc khẳng định vai trò và phẩm giá của phụ nữ trong Nước Thiên Chúa, đến việc trao cho họ sứ mệnh truyền bá Tin Mừng về Chúa Phục Sinh. Đây là một thông điệp mạnh mẽ về tình yêu, sự công bằng và sự mở rộng ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Trong bài học này, chúng ta chú trọng vào Tin Mừng theo thánh Lu-ca trong đó tác giả nêu ra những điểm quan trọng về những người phụ nữ này như sau :

a) Các bà không thuộc nhóm Mười Hai nhưng không tách biệt với các môn đệ.

b) Các bà đến từ Ga-li-lê và cùng nhau giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ bằng nguồn lực của mình (x. Lc 8,1-3).

c) Các bà là những nhân chứng tận mắt về các sự kiện trong sứ vụ của Đức Giê-su, chứng kiến Chúa chết và ghi nhớ nơi chôn cất Người (x. Lc 23,55), để rồi sau ngày hưu lễ, các bà vội vã ra mộ thật sớm và đã trở thành chứng nhân đầu tiên của Chúa Phục Sinh.

d) Các phụ nữ còn tiếp tục hiện diện trong cộng đoàn Hội Thánh đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem (x. Cv 1,14) ; đối với Lu-ca, các phụ nữ này là những người trung thành với Đức Giê-su và hoạt động như mối liên kết những chứng nhân mắt thấy tai nghe của các sự kiện quan trọng trong cuộc đời Đức Giê-su.

1. Chứng nhân của sự Phục sinh

Trong Tin Mừng Luca, các phụ nữ, đặc biệt là Ma-ri-a Mác-đa-la, Gio-an-na, và Ma-ri-a mẹ của Gia-cô-bê, là những người đầu tiên đến mộ của Đức Giê-su và họ mang theo cả dầu thơm nữa. Lu-ca viết : “Khi các bà ra đến nơi, thì đã thấy tảng đá che cửa mộ đã được lăn ra một bên, các bà bước vào thì không thấy thi hài của Đức Giê-su, nhưng ngay lúc đó “thì này hai người đàn ông” với y phục sáng chói hiện ra” (Lc 24,4). Cụm từ kai i-dou an-dres du-ô (καὶ ἰδοὺ ἄνδρες δύο) được Lu-ca sử dụng 3 lần : lần ở đây và lần trước đó trong trình thuật Chúa biến hình (x. Lc 9,30), còn lần thứ ba là khi Chúa Thăng Thiên (x. Cv 1,9-10), kiểu nói này muốn diễn tả sự can thiệp của Thiên Chúa. Vì vậy Mát-thêu và Gio-an nói rõ đó là thiên thần (x. Mt 28,2 ; Ga 20,12) Theo truyền thống Kinh Thánh, lời chứng của hai người mới có giá trị (x. Đnl 19,15), vậy sự có mặt của hai người ở đây chứng tỏ họ là chứng nhân của việc Chúa sống lại và làm nổi bật giá trị lời họ nói với các bà : “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết ? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại.”(Lc 24,5-7).

Trong xã hội Do-thái thời Đức Giê-su, phụ nữ không được coi trọng như nam giới, không có tiếng nói trong cộng đoàn, nên “họ phải làm thinh trong các buổi họp, chứ không được phép lên tiếng !” (1 Cr 14 34-35 ; x. 1 Tm 2,11-12). Vậy mà trong các trình thuật về Phục Sinh, Đức Giê-su lại hiện ra trước hết với các phụ nữ và nói với các bà là hãy báo tin cho các môn đệ, đặc biệt là ông Phê-rô (x. Mt 28,5-7.10 ; Mc 16,7-10 ; Ga 20,17). Thánh Lu-ca còn làm rõ hơn vai trò chứng nhân Phục Sinh của các phụ nữ, đó là chính các bà đã được Đức Giê-su trực tiếp nói cho biết về diễn tiến cuộc thương khó mà Người sẽ phải chịu, chứ không phải chỉ nói với các môn đệ mà thôi : Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại (Lc 24,6b-7), và “các bà đã nhớ lại những điều Đức Giê-su đã nói” (Lc 24,8). Đồng thời, Lu-ca cũng nói lên một điều rất thực tế là khi nghe các bà kể lại, thì các môn đệ liền cho đó chỉ là “chuyện vớ vẩn, nên các ông không tin” (Lc 24,11). Từ “vớ vẩn”, tiếng Hy-lạp lê-ros (ληρος) mà trong Kinh Thánh chỉ gặp duy nhất ở đây, từ này có nhiều nghĩa là : “nói nhảm” (deliramentum), “điều vô nghĩa” (nonsense), “lời rỗng tuếch” (idle tales, idle talk, empty talk), hoặc “chuyện ảo tưởng” (sheer fantasy).

2. Sự trung tín và lòng yêu mến của các phụ nữ.

Cả bốn sách Tin Mừng đều nói đến sự hiện diện của các phụ nữ trong suốt hành trình của Đức Giê-su. Các bà đã không quản ngại vất vả vì đường sá, chưa kể bị ghét lây vì những phe nhóm luôn tìm dịp bắt bẻ, hoặc gài bẫy để hại Đức Giê-su. Thánh Gio-an còn cho biết là “nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa” (Ga 6,66), hơn nữa, trong Nhóm Mười Hai, kẻ thì bán Thầy (Giu-đa), kẻ thì chối Thầy (Phê-rô), nhiều người bỏ chạy. Còn các phụ nữ thì vẫn trung tín và bộc lộ lòng yêu mến Đức Giê-su đến cùng, ngay cả lúc Đức Giê-su hấp hối trên thập giá, cũng có mặt các bà ở đó (x. Ga 19,25) nên các bà đã “chứng kiến những sự việc xảy ra” (Lc 23,49). Cũng chỉ có các bà cùng với ông Giô-xếp đến gặp Phi-la-tô để xin thi hài Chúa rồi ghi nhớ nơi đặt xác Chúa (x. Lc 23,55). Lòng yêu mến còn biểu lộ cách thiết thực khi vừa hết ngày hưu lễ, các bà đã vội vã ra mộ từ sáng sớm đem theo dầu thơm để ướp xác Đức Giê-su (x. Mc 16,1 ; Lc 24,1). Đó là lý do tại sao Chúa Phục Sinh lại hiện ra với các phụ nữ trước tiên và điều này cũng cho thấy rằng trong Nước Thiên Chúa, lòng trung tín và tình yêu là những phẩm giá trước hết và trên hết nơi người môn đệ Chúa.

Kết luận

Tin Mừng Lu-ca đặc biệt nhấn mạnh đến sự quan tâm của Đức Giê-su đối với những người yếu thế, bao gồm phụ nữ, người nghèo, người tội lỗi và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Việc Đức Giê-su hiện ra với các phụ nữ trước tiên, cho thấy biến cố Phục Sinh không chỉ dừng lại nơi chiến thắng của Đức Giê-su, mà còn là sự mở rộng ơn cứu độ đến với mọi người, bất kể giới tính, địa vị xã hội hay tôn giáo. Đức Giê-su Phục Sinh giao cho các phụ nữ nhiệm vụ quan trọng là mang Tin Mừng Phục Sinh cho các Tông Đồ (x. Lc 24,9-10). Điều này xác nhận sự quan trọng của họ trong kế hoạch cứu độ, đồng thời còn cho thấy rằng, việc truyền bá Tin Mừng không chỉ là công việc của các Tông Đồ hay các mục tử thuộc hàng ngũ lãnh đạo, mà còn là của tất cả những ai trung tín với Chúa, đó là toàn thể các tín hữu bất kể là nam hay nữ thuộc mọi tầng lớp trong Giáo Hội.

Chúng ta kết thúc phần tìm hiểu hôm nay với bài Thánh Thi Kinh Sáng Mùa Phục Sinh, để hiệp thông với tâm tình và niềm vui của các thánh nữ trong buổi sáng ngày Chúa Phục Sinh.

Gió sớm lâng lâng quyện sáng về,
Trong bình minh nhuốm sắc pha lê,
Thấp thoáng bóng chân người thôn nữ,
Viếng mồ chẳng ngại giẫm sương khuya.
Vội vã dầu thơm đặt cạnh mồ,
Nhưng kìa ai lật tảng đá to ?
Khăn liệm xếp đây : sầu tuyệt vọng !
Xác Người đã lạc mất phương mô ?
Buồn ngấm hàng mi lệ ứa trào,
Hương lòng thờ kính gửi trời nao ?
Tín đồ mất Chúa, ôi cô quạnh !
Mỏm đất trơ vơ, cả huyệt sầu.
Thoạt đâu gió đẩy đất rung rinh,
Thôn nữ sầu tan vội ngoảnh nhìn :
Hai người xiêm áo in màu tuyết
Reo vang : “Con Chúa đã phục sinh !”
Thôi cả trào vui ngập biển lòng,
Thả buồn cho gió cuốn mông lung ;
Xăm xăm quay gót băng đồng nội,
Thôn nữ vui mừng vượt nắng trong.
Ôi Chúa phục sinh, phút rợn trời,
Thảo nào đêm dậy ánh sao tươi,
Gió đàn, hương ngát trăng kiều diễm
Hòa tấu lừng uy đón đợi Người !

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top